Sau gần 2 tháng thám sát và khai quật khảo cổ học vùng đất Gia Thủy, huyện Nho Quan, sáng 27/8, các nhà khoa học đã công bố sơ bộ những kết quả thu được với nhiều phát hiện có giá trị. Công trình nghiên cứu này do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện.
Các giáo sư, tiến sĩ ngành Khảo cổ và đại biểu ngành Văn hóa Ninh Bình tham quan tại di tích Đợt khai quật được thực hiện tại khuôn viên trường Tiểu học, THCS, đình và Chùa Mỹ Hạ thuộc xã Gia Thủy, với tổng diện tích trên 280 mét vuông.
Trên 2 hố thám sát, đã phát lộ rất rõ 1 ngôi mộ gạch cổ và 1 dãy nền móng của ngôi đình. Trong đó, ngôi mộ cổ nằm dưới lớp bê tông sân trường học, trong lớp đất đồi gò. Mộ có cấu trúc hình chữ nhật, có mái vòm, với chiều dài trên 8m, rộng chừng 2,5 mét. Tường mộ được xếp 2 lớp gạch, với nét trang trí khá độc đáo. Các nhà khoa học đoán định: đây là mộ của tầng lớp quan lại, quý tộc thời Bắc thuộc, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên.
Đối với dãy nền móng ở khu vực đền Mỹ Hạ - nơi thờ Vua Đinh cùng Thái hậu Dương Vân Nga, các nhà khoa học dự đoán: nền móng có quy mô lớn này thuộc về một ngôi đình được tu sửa nhiều lần, nhất là cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Đợt khai quật này đã khẳng định giá trị nổi bật, đặc sắc của vùng đất Gia Thủy ở thời điểm 10 thế kỷ đầu Công Nguyên, vùng đất mà ở đó: trên một cơ tầng văn hóa bản địa sâu đậm của các cư dân Việt cổ, đã tiếp thu có chọn lọc văn hóa Trung Hoa với tinh thần hòa nhập nhưng không hòa tan, để đến thế kỷ thứ X hình thành nên một nền tảng văn hóa bản địa vững chắc, tiếp sức để nghĩa quân Hoa Lư của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh vươn mình thống nhất đất nước./.
Thùy Vân (nbtv.vn)
Ý kiến ()