Ngày 28/12, tại Hà Nội, Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức Hội thảo: “Thúc đẩy tiếng nói người bệnh và người bị ảnh hưởng vào quá trình thực thi, giám sát Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm”.
Hiện nay, bên cạnh bệnh truyền nhiễm thì gánh nặng bệnh không lây nhiễm đang là trở ngại lớn cho ngành Y tế cũng như sự phát triển đất nước. Trong đó, sử dụng rượu bia là một trong những nguy cơ gây mắc bệnh không lây nhiễm.
Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới, ở độ tuổi từ 15-49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).
Ước tính chưa đầy đủ cho thấy, tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính như: ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung đã là 25,789 tỷ đồng, chiếm 0,22 tổng GDP năm 2012.
Rượu, bia là tác nhân chính gây bệnh không lây nhiễm (Ảnh minh họa: KT)Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.
Uống rượu, bia nhiều cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh: tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu…
Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống rượu bia như: gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu, bia... Một số tác hại khác diễn ra từ từ như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe hay các vấn đề xã hội lâu dài như: tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội…
Do những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.
Theo ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), để giảm thiểu những tác động không tốt của rượu bia đến con người, xã hội, cần phải có giải pháp thúc đẩy tiếng nói của người bệnh, nạn nhân, cộng đồng vào thực thi và giám sát Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Thực tế hiện nay vẫn tồn tại những vấn đề cản trở việc “đưa tiếng nói” của dân tới “diễn đàn chính sách y tế”. Nguyên nhân do hệ thống làm chính sách chưa luật hóa cho sự tham gia khách quan, khoa học của “tiếng nói người dân” vào diễn đàn chính sách chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, truyền thông “phản biện khoa học” chính sách và thực thi còn rất yếu.
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, cán bộ tổ chức HealthBridge Canada thì cho rằng, để khuyến khích người bệnh, nạn nhân và cộng đồng vào thực thi và giám sát Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm, cần tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Vận động xây dựng cộng đồng nâng cao sức khỏe; Phát động phong trào toàn dân thực hiện lối sống tăng cường sức khỏe phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
“Cần bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Dán nhãn thực phẩm; Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường; Kiểm soát quảng cáo rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường”, bà Nguyễn Hạnh Nguyên nhấn mạnh./.
(Theo vov.vn)
Ý kiến ()