Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiếp tục kêu gọi các quốc gia giàu có tài trợ vaccine để giúp đỡ các nước nghèo khó triển khai tiêm chủng trong bối cảnh khoảng cách về tiếp cận vaccine giữa các quốc gia vẫn còn quá lớn.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới đều đang nỗ lực tìm cách đảm bảo nguồn cung vaccine để tiêm cho người dân (Ảnh minh họa: Getty Images)Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, tới nay đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 2,7 triệu người tử vong. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đều đang nỗ lực tìm cách đảm bảo nguồn cung vaccine để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại nhiều quốc gia, đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành.
Trong ngày 26/3, Liên hợp quốc thông báo khoảng 180 quốc gia trong tổng số 193 thành viên LHQ đã cam kết đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng. Tuyên bố chính trị, có chữ ký của đại diện 180 quốc gia tính đến ngày 26/3, có đoạn nêu rõ dù đã có những thỏa thuận, những sáng kiến quốc tế và cả những tuyên bố chung, việc phân phối vaccine vẫn diễn ra không đồng đều, dù giữa các quốc gia hay trong mỗi quốc gia. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều nước chưa có vaccine, thế giới cần đoàn kết và phối hợp đa phương để tăng cường sản xuất và phân phối vaccine, trên các cấp độ khu vực và toàn cầu.
Tuyên bố cũng khuyến khích các quốc gia có điều kiện chia sẻ vaccine cho các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp cũng như các quốc gia cần giúp đỡ. Tuyên bố cũng khẳng định sáng kiến COVAX do LHQ dẫn dắt là một cơ chế hợp lý nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine.
Việc phân phối vaccine cũng là chủ đề nóng nhất được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 25 và 26/3. Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ rất sớm. Trong năm 2020, liên minh đặt hàng 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỷ liều cho tổng dân số của EU là 450 triệu người. Tuy nhiên, hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, các nước EU đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, chủ yếu do tiến độ bàn giao chậm trễ của hãng dược phẩm AstraZeneca. Điều này đã khiến cho các quốc gia hiện đang dựa vào việc tiêm chủng để hy vọng thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế, rơi vào một tình thế khó khăn. Vì thiếu nguồn cung cấp vaccine nên EU đã buộc phải trì hoãn chương trình tiêm chủng. Theo tính toán của công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, việc trì hoãn này có thể khiến nền kinh tế toàn khối thiệt hại 123 tỷ euro trong năm 2021.Các quốc gia EU dường như đang cảm thấy khó khăn trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 khi mà nguồn cung vaccine không đủ, rồi sự phân chia cũng không đồng đều giữa các thành viên.
(Theo dangcongsan.vn)
Ý kiến ()