Tiếp tục Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, chiều 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ, góp ý vào các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổ 03 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Ninh Bình, Sơn La, Tây Ninh và thành phố Đà Nẵng.
Theo ý kiến các đại biểu, các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã được xây dựng công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung có tầm chiến lược, khái quát cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước. Nội dung Dự thảo các Báo cáo thể hiện khách quan những thành tựu, hạn chế; vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Góp ý về các Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng XIII, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu, bổ sung nhiều ý kiến góp ý của nhân dân, trong đó có khơi dậy khát vọng của dân tộc, xác định tầm nhìn đến năm 2045; bổ sung nhận định, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà góp ý vào các Dự thảo Báo cáoVề Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, báo cáo chủ yếu đề cập đến nguyên nhân chủ quan dẫn đến các hạn chế, yếu kém, trong khi đó nguyên nhân khách quan mới chỉ nêu diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, nhưng chưa đề cập đến nguyên nhân khách quan quan trọng khác là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá rõ những hạn chế, trong đó có vấn đề quy hoạch vùng.
Góp ý vào Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng: Biên chế vẫn có cơ chế xin cho, 1 thời gian dài không kiểm soát được bộ máy và biên chế, vì vậy nhiệm kỳ này Trung ương tập trung vào những vấn đề bức thiết, trong đó có kiểm soát quyền lực là hoàn toàn đúng đắn.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; tổ chức bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp tiếp tục được hoàn thiện. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hoá, xã hội, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước có một số mặt chưa rõ nên còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ./.
Phương Nhung (nbtv.vn)
Ý kiến ()