Năm 2020 mặc dù gặp khó, song Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, gọi tắt là OCOP đã nhận được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và địa phương; đến nay đã có thêm 11 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, nâng tổng số sản phẩm lên con số 17, góp phần tích cực vào thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trao giấy chứng nhận xếp hạng cho các sản phẩm Trong năm 2020, có 9 chủ thể sản xuất, trong đó có 4 doanh nghiệp, 3 HTX và 2 hộ gia đình đăng ký tham gia 14 sản phẩm, thuộc các nhóm nông sản, thủy sản, thực phẩm từ gia súc, gia cầm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thuốc Y học cổ truyền, thủ công mỹ nghệ.
Qua kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm có 11 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, còn lại đạt 3 sao. Các sản phẩm đảm bảo về chất lượng, điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Các địa phương sau khi cấp giấy chứng nhận đã nghiêm túc thực hiện việc cấp quyền sử dụng, quản lý nhãn hiệu, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để có kết quả trên, ngành NN-PTNT đã thực hiện nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm, chủ động bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ các chủ thể đổi mới, nâng cấp công nghệ, máy móc, hỗ trợ công bố, chứng nhận chất lượng; hỗ trợ thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác, phát triển vùng nguyên liệu và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Mục tiêu chương trình OCOP năm 2021 là nhân rộng mô hình hiệu quả, tập trung vùng sản xuất hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa tầm quan trọng của Chương trình; ban hành quy chế giám sát, xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Phấn đấu đến hết năm 2025 chuẩn hóa và hoàn thiện khoảng 150 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn tỉnh./.
Minh Nguyệt (nbtv.vn)
Ý kiến ()